Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Dương Thụ: Muốn vực lại văn hóa thì phải biết xấu hổ!

“Người Việt đương đại đang thay đổi thói quen và nếp nghĩ. Tôi cũng là một trong số họ. Chỉ là ở tôi cái này có thể ít hơn, cái kia có thể nhiều hơn. Nhưng nói chung tôi thấy xấu hổ”, nhạc sĩ Dương Thụ chia sẻ.

Từng thường xuyên bị ăn đòn vì “vô ý vô tứ”
Sống qua “hai thế kỷ” và am hiểu về văn hóa Việt Nam, nhạc sĩ Dương Thụ cho biết thói xấu của người Việt thời nào cũng có nhưng giờ thì nhiều quá. Nhiều vì nó phổ biến trong cộng đồng và không có sự phản ứng cần thiết. Ngày xưa những thói xấu như thế thường bị chế diễu, và sự chế diễu này tạo thành dư luận xã hội. Người mắc thói xấu vì thế dễ nhận biết và cảm thấy xấu hổ, có xấu hổ mới sửa chữa được. 
“Thời tôi còn học tiểu học (thời Pháp thuộc), người nghèo thành thị, nhiều người rất giầu lòng tự trọng, họ có thể mặc áo vá, nhưng sạch sẽ, khi giao tiếp với người có tuổi tác, vị thế hơn mình, họ nói năng nhỏ nhẹ, lễ phép, tỏ rõ sự tôn trọng. Bây giờ phần lớn không thế. Ở một xã hội không có chỗ đứng cho quyền lực văn hóa, các tật xấu, thói xấu trong ứng xử phát triển và phổ biến như bây giờ là đương nhiên thôi”, nhạc sĩ Dương Thụ chia sẻ.

Nhạc sĩ cho biết, hồi ông còn học tiểu học, thời ấy giáo dục gia đình rất khắt khe và nhà trường cũng thế ở đâu cũng nêu cao khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Cách cư xử trong giao tiếp xã hội mà ông được học là “kính trên nhường dưới”, “gọi dạ bảo vâng” xưng hô có thưa gửi, với người trên nói “kính”, với người ngang tuổi, hoặc dưới nói “thân”, không nói trống không, không “mày tao chi tớ”, không được nói leo, không được ba hoa, làm ồn, phải biết lắng nghe người khác, “biết thì nói năng thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Sống phải biết nhường nhịn, bênh kẻ yếu, khi ra đường, có điều kiện phải giúp đỡ người già người tật bệnh và người nghèo. Lễ phép không đồng nghĩa với khúm núm mà biểu hiện sự khiêm nhường của một người có văn, biết tự trọng và tôn trọng người khác.
Ông kể: “Chuyện cư xử, ăn, nói, đi đứng, sinh hoạt trong gia đình và nơi công cộng thời ấy tôi được dạy rất nhiều và thường xuyên được uốn nắn và cũng thường xuyên bị ăn đòn nữa vì tính tôi cẩu thả vụng về và “vô ý vô tứ”. Sau này lớn lên, xa gia đình, phải sống tự lập tôi đã rất vất vả để chống lại sự lây nhiễm của những thói hư tật xấu ngày một lan tràn trong xã hội. Tôi trở thành một người lạc lõng. 
Năm 1976 khi tôi vào Huế, lần đầu tiên sau bao nhiêu năm mới được nghe thấy tiếng thưa, dạ dịu dàng, thấy người ta ăn nói nhẹ nhàng lễ phép tôi xúc động vô cùng, thấy mình như được sống lại những năm tháng thuở còn ấu thơ. Tôi chợt nhận ra chúng ta đã đanh mất quá nhiều thứ”.
“Cái văn hóa ứng xử đẹp đẽ mà tôi vừa kể không phải chỉ có trong thời ấy, trong gia đình tôi mà nó chính là truyền thống bao đời của người Việt, nó luôn là chuẩn mực, luôn giữ vai trò chủ đạo dù những thói hư tật xấu vẫn tồn tại, lúc yếu, lúc mạnh, và ngay cả mạnh đến thế nào chăng nữa. Đến bây giờ chúng ta đã để mất nó. Đau vô cùng, tiếc vô cùng”, nhạc sĩ chia sẻ thêm.
Muốn vực lại văn hóa thì phải biết xấu hổ!
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến tình trạng cư xử thiếu văn hóa nơi công cộng của người Việt như hiện nay, nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng “xã hội nào văn hóa ấy”. Người Việt hiện đại ngày càng xấu tính, ham ăn tục uống vì không được dạy cách ăn uống, cách cư xử có văn hóa nơi công cộng. 
Nhạc sĩ phân tích: “Cái mà hình như chúng ta đang khuyến khích là làm cách nào để kiếm thật nhiều tiền, để trở thành triệu phú. Còn chuyện học để trở thành người có văn hóa thì hình như mặc dù rất biết, nhưng do bệnh “đãng trí hiện đại” đã quên luôn thì phải. “Đãng trí hiện đại” là nói trước quên sau, rất thích nói nhưng rồi quên ngay. Cứ nhìn chữ “văn hóa” trịnh trọng trên tên của nhiều tờ báo chính thống “lá cải hóa”, trên các biển của khu phố, của tổ dân phố, của một vài cơ quan văn hóa, nếu bạn đọc nó, đi vào nó bạn sẽ hiểu ngay cái căn bệnh thời đại này”.
Nhạc sĩ Dương Thụ
Với những trường hợp trí thức, người có học hàm học vị cũng cư xử thiếu văn hóa như trong các bài viết VietNamNet đã đưa. Nhạc sĩ Dương Thụ cũng cho rằng “xã hội nào thì trí thức đó”.
“Dù họ có chức tước và bằng cấp ghê gớm đến mấy thì họ vẫn chỉ là sản phẩm của một xã hội nhất định. Tất nhiên vẫn có ngoại lệ nhưng thông thường ngoại lệ nghĩa là ngoài lề. Ở ta quan chức đều là có học (nhưng có học hành tử tế hay không lại là một chuyện khác), thấp nhất cũng phải là cử nhân còn phần nhiều là thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư. Thói quen xấu của những người này (tất nhiên không phải là tất cả) là không thể góp ý. Nếu bạn góp ý, họ sẽ bỏ ngoài tai (quan mà, trí thức mà, lại là những bậc cha chú mà, oai lắm), hoặc vì chạm nọc họ sẽ trừng trị hoặc “ném đá” bạn ngay, bởi họ đâu có phải người thất học. Ai cũng được học hành, lại nghe nhiều, đọc nhiều , lý luận đầy mình, khả năng ngụy biện vì thế phát triển nên tôi nhiều khi rất ngại tranh luận”, nhạc sĩ chia sẻ.
Về giải pháp để vức lại văn hóa cư xử nơi công cộng cho người Việt, nhạc sĩ Dương Thụ cho biết: “Muốn vực lại thì phải biết xấu hổ đã. Bản thân tôi cũng đôi khi vẫn còn rơi rớt lại một vài thói quen xấu, cố sửa mà chưa hết được. Ta không nên trông cậy vào những cố gắng cá nhân. Phải có mội trường xã hội tốt làm chỗ dựa cho văn hóa ứng xử, còn như bây giờ thì...”.
“Người Việt đương đại đang thay đổi thói quen và nếp nghĩ. Tôi cũng là một trong số họ. Chỉ là ở tôi cái này có thể ít hơn, cái kia có thể nhiều hơn. Nhưng nói chung tôi thấy xấu hổ. Có lẽ cũng không nên cao giọng chê bai người khác. Hãy nhìn lại mình trước đã. Và phải thấy đây là một việc rất đau lòng. Nói ra cũng là cực chẳng đã”, nhạc sĩ chia sẻ.
-----------------------------------------------

Final Fantasy II

About Final Fantasy II

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :