Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

SGK Sử khuyến khích thói học vẹt

Qua ngày đầu tiên thi tốt nghiệp PTTH, đề thi 2 môn Ngữ văn và Hóa học được nhận xét là bám sát chương trình, tương đối dễ làm, đặc biệt là môn Văn đã có câu mở rộng khiến nhiều thí sinh xúc động. Điều này không khỏi làm chạnh lòng các nhà sử học và thầy cô dạy môn này khi nghĩ tới cảnh môn sử toàn điểm 0 của năm ngoái. Đương nhiên, nguyên nhân vẫn được đổ tại là do… SGK.

“Ngồn ngộn sự kiện và đầy ắp nhận định”. Đó là nhận xét của GS.TSKH Vũ Minh Giang đánh giá về thực trạng SGK hiện nay, ý kiến này được báo Lao động cho rằng rất đúng với thực tế và hậu quả mà nó gây ra là: “khó lòng gây được ham thích cho giới trẻ mà chỉ dừng ở mức, giỏi lắm là khuyến khích thói học vẹt có điểm cao. Thi xong thì quên hết”, GS. Giang nhận định. 
 
Với một người nhiều năm nghiên cứu về  lịch sử, PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khẳng định: Đặc thù của môn sử là sự kiện và hiện tượng lịch sử gắn với không gian và thời gian, nên phải chính xác và phải có những con số cụ thể. Nhưng SGK sử của ta đang lạm dụng nhiều con số và kiến thức, đồng thời cách diễn đạt quá hàn lâm nên quá sức với lứa tuổi học sinh.
 
Trước tình trạng này, GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, chua xót nhận định: "Lịch sử là môn bị coi thường nhất trong nền giáo dục phổ thông hiện nay". Ông đánh giá môn sử chưa được đặt đúng vị thế trong nền giáo dục phổ thông, hơn nữa, chế độ thi cử nặng nề đã ảnh hưởng đến động cơ học tập của học sinh theo hướng tiêu cực. Nếu có SGK tốt, đi kèm phương pháp dạy tốt, ông cho rằng chắc chắn môn sử đủ khả năng tạo nên hứng thú trong học sinh. Điều này sẽ trở nên vô cùng hữu ích trong nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ.
 
Theo khảo sát mới nhất tại TP.HCM, tỉ lệ giới trẻ ham học sử rất ít ỏi, trong số 150 học sinh nam và 150 HS nữ đang học tại 6 trường THPT, có đến 58,3% cho biết không thích học sử và 9% học sinh rất không thích. Thậm chí, trong số 300 học sinh được hỏi, có tới 60% học sinh dành rất ít thời gian cho việc học sử. Cũng không cần phải nhắc lại chuyện xé đề cương môn sử trắng sân trường vào ngày 30/3/2013 khiến dư luận lên án, nhưng lại phản ánh đúng thái độ của học sinh với môn sử. Điều này cũng giải thích cho việc từ lâu, các trường rất khó tìm ra học sinh giỏi sử.

Giáo sư Đỗ Thanh Bình, nguyên Trưởng khoa Sử ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Nhiều em phải thuyết phục mãi mới sang học sử, ngay chính bố mẹ các em cũng tỏ ra không thích, bởi họ lo cho con em mình học sử thì ra trường biết kiếm việc ở đâu?”. GS. Bình cung cấp thêm, trong số 115 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành sử năm 2012, chỉ có 26% xin được việc làm giáo viên lịch sử, 18% xin việc các nghề khác và 46% sinh viên không có việc làm. Có đến 49,2% thí sinh thi vào đại học cho rằng, sinh viên ngành sử có ít cơ hội nghề nghiệp và 17,5% cho rằng không có cơ hội. Vì vậy, số học sinh chọn ban C (văn, sử, địa) để dự thi luôn thấp hơn các ban khác.
 
 
Và nguyên nhân được tìm ra là do SGK, GS Phan Huy Lê nhận định: cách trình bày của SGK sử hiện nay rất dàn trải, la liệt các sự kiện, nên gây cảm giác rất nặng nề và nhàm chán. Còn theo TS. Nguyễn Anh Dũng thì: "SGK sử phổ thông gần như tóm tắt sách sử của người lớn để bắt học sinh học”. Vì vậy, học sinh chỉ thấy các sự kiện lịch sử lê thê, nhồi nhét mà không thấy có thể vận dụng những kiến thức này vào thực tế cuộc sống, cũng như có lợi gì cho tương lai của học sinh.
 
Chuyện SGK nhồi nhét, dàn trải, quá sức tiếp nhận của học sinh không chỉ là với môn sử mà còn có cả ở môn văn, cũng đã khiến các thầy cô bức xúc với giáo trình nặng, thầy cô lẫn trò dạy và học không xuể. Người viết SGK dùng tư duy người lớn áp đặt lên sự hiểu biết và nhận thức của học sinh mà không nghiên cứu tâm lý tùy theo lứa tuổi.
 
 
Mặc dù, SGK đã qua bao lần cải cách, rồi năm ngoái người ta còn đề xuất  chi 70.000 tỷ đồng để viết SGK mới, thế nhưng lỗi không chỉ ở SGK, lẫn người dạy mà nằm ở trong tư duy áp đặt, duy ý chí của cả một hệ thống giáo dục, nơi mà chỉ thích dạy trẻ học thuộc bài y như trong sách, vô hình trung khuyến khích sự học vẹt, thui chột sáng tạo và tư duy tìm tòi, khám phá…
 
Đề thi văn tốt nghiệp năm nay có một câu hỏi mở mang tính chất nhân văn, dù sao cũng đã cho thấy sự đổi mới của giáo dục. Đáng lẽ, nó sẽ là việc hết sức bình thường nhưng đã khiến nhiều thí sinh xúc động. Và vì thế, chuyện chán sử, chán văn… và chán học của học sinh hiện nay không chỉ nằm ở SGK mà là do chính người lớn không “theo dòng lịch sử” để phát triển mà cứ thích phá bỏ, xây mới, giống như đình chùa cổ nghìn năm không trùng tu di tích mà phá sạch, xây lại hoàn toàn cho nhanh và đỡ mất công chi tiết. Giáo dục cũng đang lâm vào hoàn cảnh ấy, nhưng nếu đã nhận ra thì phải mạnh mẽ thừa nhận và “trùng tu” sửa sai ngay thôi, đừng ngồi bàn cãi mất công nữa.
 
-----------------------------------------------  

Final Fantasy II

About Final Fantasy II

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :