Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Khúc tâm tình ví, giặm

Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần II năm 2013 đã chính thức khép lại sau ba ngày diễn xướng, thi tài. Mộc mạc, giản dị và luôn biến thiên với đời sống xã hội, dân ca ví, giặm thực sự như một khúc tâm tình chan chứa mà đằm thắm của con người Nghệ Tĩnh.

Gừng cay muối mặn khúc hát dân ca
Nói cho cùng, một loại hình diễn xướng được gọi là dân ca phải thực sự là tiếng hát của toàn dân. Mà đã là dân ca thì sức sống của di sản hẳn nhiên phải biến thiên, thay đổi tùy theo môi trường diễn xướng, đời sống xã hội và cả tâm thế của người hát…
Dân ca ví, giặm dù chưa thực sự phổ biến, chưa được nhiều người dân trên các vùng miền tổ quốc biết đến nhiều nhưng may thay ít nhiều cho đến nay vẫn vẹn nguyên những giá trị, đặc trưng dân ca của người dân mảnh đất xứ Nghệ.
Trong đời sống, trong các hội hè, đình đám… người dân xứ Nghệ vẫn cất lên những làn điệu ví, giặm như khúc hát tâm tình, trao duyên, bài ca lao động… đậm chất “gừng cay muối mặn” của miền đất địa linh nhân kiệt.
Tại Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần II năm 2013, điều đáng ghi nhận đầu tiên là số lượng CLB, số lượng nghệ nhân tham gia LH đã nhiều hơn, đông đảo hơn hẳn năm ngoái với 21 CLB đến từ nhiều xã, huyện của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Thái Kim Đỉnh thì hát ví khác hát giặm nhưng thường thì các nghệ nhân trong các buổi diễn xướng vẫn thể hiện ví và giặm xen kẽ, hòa trộn vào nhau. Xét về góc độ âm nhạc thì ví, giặm Nghệ Tĩnh chỉ có một làn điệu cơ bản và từ đó tùy theo thể thức trình diễn là hát ru, hát giao duyên hay hát đối đáp… phụ thuộc vào môi trường diễn xướng, theo tâm thế của người hát… mà ví, giặm Nghệ Tĩnh biến thiên, thay đổi.
Thực tế, trong đời sống xã hội hiện nay, di sản đã được vinh danh trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia này đã có những thay đổi trông thấy. Nếu trước đây, ví, giặm không có nhạc đệm thì qua LH lần này, có thể thấy đa số các “phường ví, giặm”, đa số tiết mục của các nghệ nhân đã phối khí âm nhạc với nhiều thang âm khác nhau. Thậm chí, bên cạnh hát, nhiều tiết mục đã có cả múa. Có thể, sẽ có những quan niệm nhìn nhận như vậy là dân ca ví, giặm đã bị “mai một”, “chuyên nghiệp hóa”… nhưng thực tế, đời sống của dân ca ví, giặm trong xã hội đương đại là như vậy, có những thay đổi, thích nghi với môi trường diễn xướng mới mà LH chỉ là bề nổi phản ánh một phần sự biến thiên, thích ứng để “sống” của ví, giặm...
Tại LH, BTC cũng đã vinh danh các nghệ nhân cao tuổi và các gia đình nghệ nhân có 4 thành viên đang diễn xướng dân ca ví, giặm là nghệ nhân Nguyễn Thị Thành, 86 tuổi của huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh; nghệ nhân Phan Thúy Diễm, 82 tuổi của huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh và gia đình nghệ nhân Võ Thị Tần đến từ huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh…
Những đạo cụ và không gian sân khấu tạo ra sự tương tác hợp lý cho việc diễn xướng ví, giặm
Những đạo cụ và không gian sân khấu tạo ra sự tương tác hợp lý cho việc diễn xướng ví, giặm
Nguyệt dạ tỏ lòng dân ca ví, giặm
Khép lại Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần II năm 2013, đã có 2 giải A, 8 giải B và 11 giải C cho các CLB, các phường hát ví, giặm và 23 giải A, 35 giải B cho các tiết mục xuất sắc nhất.
Điều thú vị là Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần II năm 2013 có trao nhiều giải thưởng phụ khá độc đáo như bên cạnh các giải thưởng dành cho các CLB có trang phục, đạo cụ hiệu quả còn có các giải thưởng tổ chức không gian diễn xướng có hiệu quả hay giải thưởng dành cho các nhà nghiên cứu, nghệ nhân đã có những sáng tác, sưu tầm, biên soạn xuất sắc…
Dù vậy, thực tế dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đang đối mặt với nhiều thách thức khi một số nghề truyền thống mai một dẫn tới không gian diễn xướng của dân ca thuộc các loại hình này đang bị mai một.
Đơn cử như nghề làm nón, nghề làm vải… hiện không có nhiều địa phương còn tiếp tục được nghề truyền thống này nhưng tại LH đã có nhiều nỗ lực của các CLB trong việc bảo tồn và khôi phục không gian diễn xướng của phường nón, phường rèn, phường vải…
Bà Phan Thư Hiền, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh, Trưởng Ban giám khảo nhìn nhận: “Bên cạnh nhiều điểm sáng lóe lên, LH có một số hạn chế như nhiều CLB chưa phân biệt được dân ca nguyên gốc và dân ca phát triển, cải biên; lực lượng người viết lời cho dân ca ngày càng ít đi và nhiều tiết mục có nhiều “thổ âm địa phương” không dễ để khán giả nắm bắt, nghe được”.
Cũng như nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể nói chung và dân ca nói riêng, dân ca ví, giặm đang đối mặt với nhiều thách thức trong xã hội đương đại. Không thể phủ nhận tại LH đã lóe lên những tiết mục mang hơi thở đời sống đương đại như Thạch Hà xây dựng nông thôn mới do tác giả Nguyễn Hùng Vĩ viết lời, O hàng bán rượu do Việt Tuấn viết lời… nhưng quả thực sự khan hiếm những sáng tác mới cho dân ca Nghệ Tĩnh với cả hình thức sáng tác tập thể mang tính dân gian hay sáng tác cá nhân vẫn đang réo rắt những hồi chuông báo động. Ít nhiều vẫn mang đậm đặc trưng dân ca của vùng Nghệ Tĩnh nhưng chính “vẻ đẹp” này cũng khiến cho loại hình dân ca ví, giặm khó có thể phổ biến với nhiều vùng miền trên cả nước bởi nhiều “thổ ngữ” nghe khá nặng tai và không dễ hiểu với nhiều khán giả...
-----------------------------------------------

Final Fantasy II

About Final Fantasy II

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :