Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Bức xúc những show diễn lừa khán giả

Vẫn còn nhiều các chương trình tổ chức biểu diễn nghệ thuật được tiến hành một cách thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng người xem và lừa khán giả để trục lợi.

Nguyễn Cao Kỳ Duyên và Chế Linh trong đêm diễn tại Huế vào tối 5/10/2013
Đêm nhạc Chế Linh ở Huế
Mới đây nhất là vụ scandal liên quan đến đêm nhạc Chế Linh ở Huế. Đã có hơn 1.000 khán giả bỏ tiền mua vé theo lời giới thiệu bằng loa đài của công ty tổ chức sự kiện, rằng trong chương trình ca sỹ Chế Linh sẽ hát 20 bài và song ca với các sỹ hải ngoại hàng đầu như Bằng Kiều, Minh Tuyết, Hương Lan… Ngay trên tấm vé chương trình in dòng chữ lớn “Chế Linh với dàn nhạc và nhóm múa Thúy Nga cùng rất nhiều nghệ sĩ hàng đầu hải ngoại trình diễn”. Giá vé cũng không hề thấp, từ 250.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/vé.
Tuy nhiên, khi đến tối 5/10 chương trình diễn ra, chỉ duy nhất có Chế Linh mà không hề có ca sỹ hải ngoại khác nào. Thay vào đó Chế Linh song ca với một ca sỹ mà khán giả chưa hề biết mặt.

Chế Linh song ca với một ca sỹ mà khán giả chưa hề biết mặt
Ngoài ra, thông tin về MC dẫn chương trình cũng là một chiêu lừa khán giả. Đơn vị tổ chức PR rằng người dẫn sẽ là Nguyễn Cao Kỳ Duyên và Phan Anh. Nhưng thực tế trên sân khấu bên cạnh Kỳ Duyên là... một Phan Anh lạ hoắc, chỉ trùng tên chứ không phải MC Phan Anh nổi tiếng trên truyền hình Việt Nam.

Chỉ có Nguyễn Cao Kỳ Duyên và Chế Linh là hai sao hải ngoại duy nhất có mặt trong đêm diễn
Các khán giả Huế đã vô cùng bức xúc và yêu cầu đơn vị tổ chức lên tiếng. Theo lời của ông Nguyễn Văn Thắng, Chánh thanh tra Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Thừa Thiên-Huế, đơn vị tổ chức biểu diễn đã bị lập biên bản vi phạm vì tổ chức không đúng nội dung đã đăng ký với cơ quan quản lý, đồng thời bị xử phạt hành chính.

Khán giả bị lừa đi xem nghệ thuật
Tối ngày 20/9/2013, trên 100 người dân, bao gồm cả phụ huynh và trẻ nhỏ đã đi xem nghệ thuật múa rối tại rạp Sông Cấm thuộc Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng. Tuy nhiên khi tới nơi, không khí vô cùng vắng vẻ, điện không bật, cửa rạp cũng không mở. Nhìn lại tấm vé để mong liên lạc được với ban tổ chức thì mới hay đó là vé lừa. Trên tẩm vé có giá 200 nghìn VNĐ chỉ xuất hiện duy nhất logo Hội nhà báo Việt Nam mà không một thông tin của nhà tổ chức. Biết mình đã mua phải vé giả nhưng các bậc phụ huynh cũng chỉ biết tặc lưỡi vì không thể lấy lại tiền.
Sau khi xảy ra vụ việc, Trưởng đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng tỏ rõ bức xúc vì có kẻ đã lợi dụng uy tín của đoàn để lừa khán giả. Thực tế không hề có lịch diễn nào đăng ký vào tối hôm đó.
Theo tìm hiểu sau đó, người đã bán vé xem múa rối giả khiến dư luận bức xúc là ông Đinh Văn Hứa (sinh năm 1951). Ông thừa nhận đã cho phát hành vé chương trình biểu diễn tối 20/9 mà không có buổi biểu diễn nào. Lý giải sự việc, ông Đinh cho biết "do sơ xuất không liên hệ với đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng để xếp lịch". Không những thế, ông còn giải thích rất vô trách nhiệm về việc in vé: “Thấy logo (Hội nhà báo Việt Nam) đẹp nên sử dụng”.


Vé xem nghệ thuật múa rối in logo của Hội Nhà báo Việt Nam do ông Hứa in và bán cho khán giả với giá 200.000 đồng/vé
Trước đó, chương trình biểu diễn của đoàn xiếc trường Xiếc trung ương diễn ra tối 17/8 tại nhà thi đấu Cung Thanh niên Hải Phòng cũng khiến hàng nghìn khán giả bức xúc vì bị lừa.
Trên tấm vé xem xiếc được đưa đến các trường học và khu phố ở Hải Phòng là dòng chữ “miễn phí” in to, đậm và quảng cáo sẽ có 12 tiết mục đặc sắc.
Khi đưa con em tới xem xiếc, các phụ huynh không chỉ phải mua vé người lớn (150.000 đồng/vé) mà còn phải mua thêm vé cho trẻ trên 6 tuổi (50.000 đồng/vé) - trong khi trên tấm vé “miễn phí” không hề đưa ra thông tin chỉ sử dụng cho các cháu dưới 6 tuổi.

Người dân Hải Phòng bức xúc vì bị lừa xem diễn tối 17/8/2013
Có những phụ huynh tức giận vì thấy bị lừa đã bỏ về. Tuy nhiên số đông vì đã lỡ đưa con đến xem nên tiếp tục mua vé đắt để vào xem. Không gian bên trong nhà thi đấu chật chội không đủ sức chứa những khán giả nhí và các bậc cha mẹ. Nhiều người không có ghế ngồi phải bám víu vào bất kỳ chỗ nào có thể ngồi được, thậm chí nhiều cháu bé phải đứng trên một chiếc bàn để xem. Bàn quá yếu nên sau đó đã bị gãy, khiến bé bị thương.
Không những thế, đêm biểu diễn giới thiệu có tới 12 tiết mục nhưng khi mới diễn được một nửa đã dừng lại, không nêu ra lý do. Nhiều người không kiềm chế được bức xúc đã tràn lên sân khấu hành hung cán bộ, nhân viên đoàn xiếc khiến Trưởng đoàn bị thương nặng.
Khán giả vây bắt ca sỹ, bầu sô vì phẫn nộ
Những khán giả ở khu vực nông thôn thường gặp phải những vụ lừa vé. Điển hình như show diễn ngày 27/5/2013 vừa qua tại Quảng Nam Rất đông người dân ở vùng quê đã mua vé xem ca nhạc 50.000 đồng/vé – một mức giá cao với người nông thôn.

Băng rôn quảng cáo đêm nhạc 27/5/2013 tại Quảng Nam
Chương trình được quảng cáo có hàng loạt ca sỹ nổi tiếng như Vĩnh Thuyên Kim, Hồ Quang Hiếu, Minh Hằng, Bảo Thy, Nguyễn Phi Hùng… Thực tế khi tới xem, chỉ có duy nhất ca sỹ Vĩnh Thuyên Kim biểu diễn và đêm nhạc kết thúc trong chóng vánh.
Quá phẫn nộ vì cảm thấy bị lừa, 2 ngày sau, hàng trăm người dân đã vây kín đoàn nghệ thuật của nhà tổ chức, bắt giữ ca sỹ Vĩnh Thuyên Kim và bầu sô giao cho công an địa phương để đòi lại tiền vé.

Nữ ca sỹ Vĩnh Thuyên Kim (áo trắng) bị người dân vây kín để đưa đến công an
Trước sự việc trên, Thượng tá Trần Văn Xuân, phó trưởng Công an Huyện Thăng Bình cho biết bầu show của chương trình là Huỳnh Kim Thành bị phạt vì tổ chức biểu diễn không đúng như thông tin trên băng rôn quảng cáo.

Việc lợi dụng lòng tin của khán giả, đặc biệt là khán giả nông thôn để làm vé giả và biểu diễn chương trình không đúng như lời quảng cáo là vi phạm quy định của Pháp luật Nhà nước Việt Nam.
Trong nội dung Công văn số 458/NTBD-PQL của Cục Nghệ thuật biểu diễn đã nêu rõ: “Yêu cầu, các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, trước, trong và sau khi kết thúc các chương trình tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang đã được cấp phép. Đặc biệt là các chương trình nghệ thuật, trình diễn thời trang tại các quận huyện, thị trấn xa trung tâm. Trường hợp phát hiện sai phạm nghiêm trọng có thể lập biên bản tại chỗ và tạm dừng chương trình, tiết mục biểu diễn sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật”.
Đó là công văn tuân thủ sát sao việc thực hiện Chỉ thị 65 của Bộ trưởng VHTTDL. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều các chương trình tổ chức biểu diễn nghệ thuật được tiến hành một cách thiếu tôn trọng người xem và lừa khán giả để trục lợi. Người bị hại ở đây không chỉ là khán giả mà ngay cả ca sỹ, những người biểu diễn trong chương trình cũng bị oan ức. Họ chỉ biểu diễn theo hợp đồng đã ký, người chịu trách nhiệm phải thuộc về phía ban tổ chức.
-----------------------------------------------

Final Fantasy II

About Final Fantasy II

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :