Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Đánh giá năng lực Ngữ văn của học sinh

Đánh giá năng lực Ngữ văn của học sinh
Là một khâu trong quá trình dạy học, đánh giá vừa song song, vừa khép lại quá trình ấy, đồng thời cũng định hướng, điều khiển, điều chỉnh, mở ra quá trình kế tiếp. 
Thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW, ngày 6/3/2014 Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch số 103/KH-BGDĐT về việc tổ chức hội thảo “Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn trong trường phổ thông”. 
Hội thảo nhằm nghiên cứu cơ sở lý luận và xây dựng kế hoạch triển khai việc đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực người học với cách thức xây dựng đề thi/kiểm tra và đáp án theo hướng mở; tích hợp kiến thức liên môn; giải quyết vấn đề thực tiễn.
Để chuẩn bị cho Hội thảo (dự kiến được tổ chức tại Hà Nội trung tuần tháng 4/2014), báo Giáo dục và Thời đại giới thiệu một số bài thảo luận về vấn đề nêu trên. 
Xin mời các ý kiến trao đổi, góp ý cho bài viết này gửi về các địa chỉ sau: nthoan@moet.edu.vn; 
ttkdung@moet.edu.vn; 
pthien@moet.edu.vn  
Trân trọng cảm ơn!    
Mọi sự đổi mới sẽ không thông đồng bén giọt, đạt được mục tiêu nếu như cái “chốt” đánh giá không được khai thông và đồng hành cùng toàn bộ các khâu khác.
Bài viết tập trung vào việc đánh giá năng lực ngữ văn của học sinh trong các kì thi/kiểm tra tập trung, từ đó mong muốn cùng nghĩ tiếp về một vấn đề được xem là trọng điểm trong đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nước nhà những năm tới đây.
1. Chúng ta đang đánh giá như thế nào?
Thống kê lại các đề thi tốt nghiệp THPT và thi đại học khối C, D trong vài năm vừa qua có thể nhận thấy một số điểm nổi bật sau đây:
- Về cấu trúc và nội dung: Mỗi đề thi gồm 3 câu, được chia làm 2 phần. 
Câu 1 kiểm tra kiến thức văn học sử về tác giả, tác phẩm hoặc các chi tiết tiêu biểu trong tác phẩm. 
Câu 2 yêu cầu học sinh viết bài nghị luận xã hội ngắn trình bày ý kiến của bản thân về một tư tưởng đạo lí, một hiện tượng đời sống, hoặc một vấn đề xã hội đặt ra từ tác phẩm văn học (loại thứ ba này ít xuất hiện hơn trong các đề thi). 
Câu 3 thuộc phần thứ 2 trong cấu trúc đề thi cho phép thí sinh của hai ban được quyền lựa chọn để làm bài nghị luận văn học về các tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn lớp 12 (với đề thi tốt nghiệp THPT) và thêm một phần chương trình lớp 11 nữa (đối với đề thi vào các trường đại học, cao đẳng).
- Về những động thái thay đổi so với cách kiểm tra, đánh giá trước đây:
Thứ nhất, đó là sự xuất hiện của các bài văn nghị luận xã hội, một trong những biểu hiện rõ rệt nhất của quan điểm dạy học Ngữ văn trong nhà trường cần gắn với thực tiễn đời sống và tính chất công cụ của môn học bên cạnh những thuộc tính đặc trưng khác vốn được nhấn mạnh. 
Đã có những vấn đề thời sự của đời sống, những giá trị căn cốt của con người, những quan điểm lựa chọn hành động của cá nhân... được đưa vào đề nghị luận xã hội như một cơ hội để học sinh được chứng tỏ vị thế của mình với tư cách một công dân có ý thức trách nhiệm với bản thân và với cuộc đời.
Thứ hai, bắt đầu từ quan niệm về đọc hiểu văn bản và việc dạy học đọc hiểu văn bản văn học, các đề thi có xu hướng quan tâm đến hoạt động cảm thụ văn học của học sinh. 
Câu hỏi thứ nhất trong các đề kiểm tra gần đây hầu như không kiểm tra thuần túy về tri thức văn học sử mà quan tâm nhiều hơn đến chi tiết nghệ thuật và việc cắt nghĩa các chi tiết ấy trong chỉnh thể tác phẩm. 
Có thể quan niệm tri thức văn học sử về tác giả tác phẩm và nhiều kiến thức khác chỉ là công cụ để học sinh sử dụng chiếm lĩnh văn bản mà có sự thay đổi ấy chăng? 
Cũng có thể là từ nhận thức về thực trạng học sinh không chịu đọc văn bản, chỉ “ăn theo, nói leo” nhớ ý rồi diễn dịch theo những điều thầy cô và sách tham khảo đã cung cấp nên cách ra đề cũng là một kiểu để học sinh không thể “trên mây dưới gió”, mù mờ về tác phẩm, mà cần bắt đầu từ chính câu chữ trong văn bản.
Thứ ba, xu hướng ra đề mở ít nhiều đã đem đến những đề văn/câu hỏi sáng tạo, đòi hỏi người học cần động não, tư duy, tổ chức lại kiến thức, nhìn rộng ra các vấn đề của đời sống, thay vì chỉ đóng khung thuần túy trong cánh cửa nhà trường.
Tuy vậy, phải thấy rằng những động thái trên đây chưa thực sự làm nên sinh khí của đổi mới, chưa đủ sức để tác động ngược trở lại quá trình dạy học, thậm chí còn có những “hiệu ứng ngược” cản bước những đổi thay mạnh mẽ của phương pháp dạy và học trong nhà trường. 
Phạm vi thi tốt nghiệp và đại học chỉ thu hẹp trong các văn bản thuộc chương trình lớp 12 và một phần của lớp 11. Nội dung kiểm tra, nhất là với các đề nghị luận văn học, lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác với bấy nhiêu tác phẩm, bấy nhiêu vấn đề đã được cày đi xới lại. 
Mức độ kiểm tra đánh giá chủ yếu dừng lại ở việc tái hiện kiến thức, đòi hỏi học sinh phải nhớ được vị trí, nội dung của từng chi tiết nghệ thuật, phải nắm chắc những gì đã được thầy cô dạy dỗ để trả lại đầy đủ trong các bài thi. 
Hệ quả tất yếu là tình trạng học tủ, học lệch, lò luyện thi và những kiểu học ôn theo lối “diễn xướng”, những bài văn “nhân bản vô tính” không khỏi làm cho chúng ta thấy giật mình.
2. Chúng ta muốn đánh giá điều gì và nên đánh giá ra sao?
Rõ ràng câu trả lời là muốn đánh giá năng lực ngữ văn của học sinh chứ không chỉ dừng lại ở việc yêu cầu người học tái hiện lại những gì đã được giáo viên truyền trao và ôn tập theo lối ghi nhớ máy móc. 
Đánh giá năng lực là đánh giá khả năng biết làm một cách độc lập, sáng tạo, có ý thức từ những kiến thức đã biết, những kĩ năng đã được vận dụng thuần thục. 
Người có năng lực ngữ văn là người có khả năng đọc hiểu các văn bản văn hóa thông tin nhật dụng của đời sống, các văn bản văn học có giá trị phù hợp với trình độ của bản thân để có thể mở rộng hiểu biết, để vận dụng vào đời sống cá nhân và cộng đồng, để giải trí, để thưởng thức, bồi dưỡng năng lực thẩm mĩ, làm phong phú, giàu có đời sống tâm hồn, phát triển xúc cảm nhân văn, góp phần tạo nên một con người vừa hiểu biết về trí tuệ, vừa giàu có về trái tim. 
Có năng lực ngữ văn là có khả năng tạo lập các loại văn bản đáp ứng nhu cầu, mục đích giao tiếp của bản thân và phù hợp với các điều kiện khác để đảm bảo đạt hiệu quả như mong muốn. 
Qua môn học, học sinh biết luyện khả năng nghe như là một kênh tiếp nhận thông tin và thưởng thức thẩm mĩ, biết diễn đạt, sử dụng lời nói để trình bày và giao tiếp hiệu quả. 
Tóm lại, năng lực trong môn học Ngữ văn gắn liền với các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, mở rộng ra là trình bày và xem (quan sát). Từ đó, môn học giúp học sinh biết sử dụng ngôn ngữ như một công cụ giao tiếp đời sống và giao tiếp thẩm mĩ. 
Không quan tâm đến giao tiếp đời sống sẽ dẫn đến việc người ta chỉ thấy học văn chương là trốn vào thế giới của lầu ngà tháp ngọc, xa rời hơi thở của cuộc sống hàng ngày và  thờ ơ với việc chuẩn bị những gì có tính chất hành dụng cho người học. 
Ngược lại, coi nhẹ giao tiếp thẩm mĩ có nguy cơ dung tục hóa, triệt tiêu khả năng và sức mạnh riêng của văn học đối với đời sống tâm hồn con người. 
Nhiều bài viết về lĩnh vực văn học trong nhà trường của một số học giả Nga trong cuốn sách Một nền văn hóa biết xấu hổ đã cảnh báo và đau buồn về tình trạng này. 
Còn Todorov cũng đã gióng lên tiếng chuông về một “nền văn chương đang lâm nguy” và “bên kia biên giới là nhà trường” đáng để cho chúng ta phải suy nghĩ.
Trong các kì kiểm tra/ thi tập trung như hiện nay, do yêu cầu nhất định về tổ chức, những năng lực ngữ văn cơ bản nhất chúng ta có thể đánh giá học sinh là năng lực đọc và năng lực viết, và thực ra phương thức để đánh giá đọc cũng qua con đường viết. 
Vì vậy, trước mắt hãy tập trung vào đổi mới đánh giá các năng lực này của học sinh, tạo cơ sở để trao đổi, rút kinh nghiệm, suy nghĩ thêm các phương án đánh giá toàn diện đối với bộ môn Ngữ văn ở nhà trường trong một tương lai gần. 
Với cả hai năng lực này, cần xác định đánh giá ở hai mức độ: năng lực đọc, viết cơ bản (literacy) và đọc, viết hồi ứng văn học (literary). Tùy vào tính chất, mục tiêu của từng kì thi mà xác định trọng số cho từng mức độ/ phạm vi đó. 
Chẳng hạn với các kì thi tốt nghiệp quốc gia tỉ lệ có thể là 50% cho mỗi nội dung, còn trong các kì thi có tính chất lựa chọn, tinh tuyển hơn, con số tỉ lệ có thể là 30/70.
--------------------------------------------------------------------------------------------
Tags : Xem diem thi

Final Fantasy II

About Final Fantasy II

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :