Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Thi tốt nghiệp THPT: Có còn cần thiết?

Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, một câu hỏi tiếp tục được lặp lại: "Bộ GD&ĐT có dự kiến thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm tiếp theo?".

Vẫn biết chuyện đổi mới thi cử phải gắn liền với đổi mới giáo dục một cách toàn diện. Nhưng con số về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hàng năm lên tới gần 100% ở các địa phương đã làm nhiều người đặt câu hỏi: Kỳ thi có còn cần thiết?

Tỷ lệ đỗ cao chưa phản ánh thực chất kết quả giáo dục

Xét tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT những năm gần đây: Năm 2009, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung bình cả nước gần 84%. Năm 2010, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 93% và năm 2011, tỷ lệ đỗ là 96%. Như vậy, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hàng năm vẫn tăng đều. Năm 2012, mặc dù chưa có kết quả chính thức, nhưng dự kiến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp không dưới 90%.


Thời điểm này, một số địa phương đã có kết quả chấm thi bước đầu. Kết quả cho thấy, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tiếp tục có xu hướng tăng. Đại diện Sở GD&ĐT Nam Định cho biết: "Nam Định đang hoàn thiện khâu cuối cùng trong chấm thi tốt nghiệp. Năm nay, dự kiến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp khoảng 99,9%" - Nam Định là địa phương có thành tích thi tốt nghiệp luôn dẫn đầu cả nước trong mấy năm trở lại đây.

Còn tại Hà Nội, ông Phạm Hữu Hoan - Phó phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT) cho biết: "Dự kiến tỷ lệ đỗ sẽ không thấp hơn năm trước". Dự kiến đến 17-6, Hà Nội sẽ chấm xong bài thi tốt nghiệp THPT năm 2012, sau đó mới thông báo đến thí sinh. Được biết, năm 2011 Hà Nội đỗ tốt nghiệp 97,79%.

Công tác chấm thi của một số địa phương khu vực phía Bắc như: Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hòa Bình… đang trong giai đoạn hoàn tất. Theo ý kiến từ nhiều địa phương, điểm thi tốt nghiệp năm nay được dự báo sẽ cao hơn năm trước do môn Toán và Lịch Sử có phổ điểm cao hơn.

Các kết quả đó không nằm ngoài dự đoán, nhưng chưa hẳn đã là tin vui với những người tâm huyết trong ngành giáo dục. Bởi chỉ riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, nhiều biểu hiện chưa nghiêm túc trong công tác coi thi đã được công khai trên các phương tiện truyền thông. Điển hình nhất là video clip quay lại vi phạm trong công tác coi thi tại THPT Dân lập Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Và hình ảnh phao thi tại nhiều hội đồng coi thi trên cả nước, hay phản ánh của thí sinh về việc giám thị "gửi gắm" thí sinh người nhà… Các vụ việc ấy khiến dư luận không khỏi băn khoăn về công tác coi thi và như vậy kết quả thi có đảm bảo đúng thực chất dạy và học?

Các thí sinh đang tham gia vào một kỳ thi tốn kém nhân lực, vật lực của xã hội nhưng bị hoài nghi về kết quả!

Chưa thể bỏ thi nhưng cần thay đổi

Với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của nhiều địa phương xấp xỉ 100% (năm 2011: 54 trong số 63 tỉnh, TP đỗ tốt nghiệp trên 90%, tỉnh đỗ thấp nhất là 82% - PV), có ý kiến băn khoăn về việc có nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp nữa không? Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: "Bộ GD&ĐT đang trong quá trình đổi mới giáo dục đào tạo nói chung và đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh nói riêng. Tôi tin rằng không nước nào không tổ chức thi, quan trọng là thi theo hình thức nào phù hợp, ít tốn kém, đảm bảo đánh giá đúng chất lượng giáo dục chứ không phải là không thi nữa".

Thứ trưởng cũng cho rằng: "Không phải đỗ 98% - 99% rồi thì không nên thi nữa vì mục đích của kỳ thi này không phải để đánh trượt thí sinh mà là để đánh giá trình độ thí sinh, chất lượng giáo dục, tác động trở lại của kỳ thi đối với việc dạy và học trong nhà trường. Không thể nhìn kỳ thi thành công hay không ở tỉ lệ đỗ - trượt".

Thêm vào đó, việc đổi mới thi cử được lý giải cần đi liền với đổi mới giáo dục một cách toàn diện, trong đó không thể không nhắc tới vấn đề sách giáo khoa. Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn sẽ được duy trì trong những năm tới.

Song có nhiều góp ý rằng: Bộ GD&ĐT nên đổi mới theo hướng vẫn thi tốt nghiệp nhưng không để xét đỗ hay trượt mà bất kỳ thí sinh nào có đủ điều kiện dự thi đều được công nhận đã hoàn thành 12 năm học THPT. Sau đó, Bộ căn cứ kết quả thi công nhận mức độ tốt nghiệp của thí sinh, có thể chia mức độ tốt nghiệp ra rất nhiều loại. Thí sinh đạt điểm ở mức nào thì văn bằng tốt nghiệp ghi đỗ tốt nghiệp mức độ đó.

Nhà giáo Tô Giang, nguyên giáo viên khối chuyên ĐH Khoa học tự nhiên nói: "Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đến trên 90%. Tuy nhiên, theo tôi, không nhất thiết phải bỏ kỳ thi này. Năm nay, Bộ đã giao quyền tự chủ tổ chức kỳ thi cho các Sở. Tôi nghĩ, năm sau, mạnh dạn hơn, Bộ giao ngay cho các trường. Các trường tự tổ chức thi, tự chấm thi. Tôi dám chắc những trường như Đồi Ngô không dại gì mà nhận mình đỗ tốt nghiệp đến 100% trong khi trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam lại đỗ có 98%? Giao quyền cho trường, đồng thời là tăng tính tự chịu trách nhiệm của các hiệu trưởng. Còn như bây giờ, chúng ta đang tạo điều kiện gian dối một cách công khai. Vì kết quả cao hay thấp là do người khác chấm, không phải trường. Nên cứ nghĩ nghiêm mà hóa ra không nghiêm là vì thế. Thi ĐH thì nhất thiết không được bỏ trong thời gian tới. Đây là "thành lũy" cuối cùng để đánh giá học thật, thi thật của chúng ta hiện nay".

Final Fantasy II

About Final Fantasy II

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :