Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Để không còn tiêu cực, phải coi thi nghiêm túc

Điều quan trọng nhất là coi thi nghiêm túc, nâng cao chất lượng dạy và học, rèn luyện tính trung thực.
Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức từ 2 - 4/6. Dù số lượng thí sinh đã giảm khoảng 17.000 em so với năm trước, nhưng quy mô của kỳ thi vẫn rất lớn: 2296 hội đồng coi thi, 40.361 phòng thi, với tổng số thí sinh là hơn 946.000 em; cùng với số cán bộ giáo viên được huy động làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi lên tới hơn 166.000 người.
Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2012-2013.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho thi tốt nghiệp THPT như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho thi tốt nghiệp THPT đã cơ bản hoàn tất. Các nhà trường đã hoàn thành nhiệm vụ dạy học theo đúng chương trình, tổ chức ôn tập cho các em học sinh và bắt đầu cho các em học quy chế, hướng dẫn các em những việc cần thiết khi vào thi.
Ông Nguyễn Vinh Hiển
Các Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, trong đó có những phương án dự phòng khi gặp những bất lợi. Việc bố trí các hội đồng thi, giám thị, người coi thi, người chấm thi, thanh tra… đã cơ bản xong.
Ngành giáo dục đào tạo từ Trung ương đến địa phương đã được sự hỗ trợ của các ban, ngành liên quan (như điện lực, y tế, thông tin và truyền thông…) đã xây dựng được kế hoạch phối hợp và triển khai thực hiện. Chúng tôi hy vọng kỳ thi năm nay sẽ được tổ chức an toàn và diễn ra suôn sẻ.
Quan trọng là coi thi nghiêm túc
PV: Thưa Thứ trưởng, dư luận vẫn không hết băn khoăn về tính nghiêm túc trong khâu coi thi (nhất là khi phát hiện những sai phạm nghiêm trọng của Hội đồng thi THPT dân Lập Đồi Ngô, Bắc Giang năm 2012). Vậy trong chỉ đạo kỳ thi năm nay, giải pháp chủ yếu được đưa ra để đảm bảo tính nghiêm túc, công bằng của kỳ thi?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Với tính chất, quy mô của kỳ thi tốt nghiệp THPT, coi thi là khâu diễn ra trên địa bàn rộng nhất, với số lượng người tham gia đông nhất, và do đó cũng khó giám sát, theo dõi, quản lý nhất. Đây là một khâu được xác định là yếu nhất trong tổ chức thi của chúng ta hiện nay, cho nên năm nào Bộ cũng coi trọng việc chỉ đạo khâu coi thi.
Năm nay, cũng như những năm trước, Bộ yêu cầu các địa phương, nhà trường tổ chức quán triệt, học tập quy chế thi cho các em học sinh, các giám thị, giám khảo để thực hiện một cách nghiêm túc. Một điểm mới trong năm nay là Bộ tạo điều kiện cho học sinh được mang những thiết bị ghi âm, ghi hình để có thể tham gia giám sát khâu coi thi, cung cấp những bằng chứng kịp thời và xử lý những vi phạm trong khâu coi thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT là để đánh giá, kiểm tra chất lượng mặt bằng trong phạm vi cả nước, nhưng thực hiện có nghiêm túc hay không, thì chính lại phụ thuộc vào cơ sở và chịu sự giám sát, kiểm tra chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục ngay tại đó.
Cho nên đã nhiều năm nay, Bộ thực hiện sự phân cấp, giao trách nhiệm quản lý ngày càng nhiều hơn cho các địa phương, cho các Sở GD&ĐT, các hội đồng thi. Cho nên trách nhiệm của các địa phương về việc tổ chức kỳ thi là rất lớn. Bộ sẽ tăng cường thanh tra ở tất cả các khâu, tinh thần là thanh tra lưu động, đột xuất, không có báo trước.
Tuy nhiên về lâu dài, tôi nghĩ vấn đề gốc rễ quan trọng nhất để khâu coi thi nghiêm túc, phải là nâng cao chất lượng dạy và học, rèn luyện tính trung thực trong giáo viên và học sinh. Nếu các địa phương mà không quan tâm đến việc này thì chính là không quan tâm đến chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực của chính địa phương mình.
Nhiệm vụ của thí sinh là làm bài thi cho tốt
Nhiệm vụ của thí sinh là làm bài thi cho tốt
PV: Chính điểm mới “cho phép thí sinh được mang vào phòng thi các thiết bị ghi âm ghi hình…” lại là quy định gây nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng, nhiệm vụ chính của thí sinh là đi thi, Bộ đưa ra quy định này, vô hình chung đã đặt thêm nhiệm vụ “chống tiêu cực” cho các em. Suy nghĩ như vậy có đúng không và giải pháp chỉ đạo của Bộ như thế nào để không tạo thêm áp lực cho cán bộ, giáo viên và thí sinh trong kỳ thi này?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Nhiệm vụ của thí sinh trong phòng thi, đồng thời cũng là quyền lợi của các em, là cố gắng tập trung để làm bài thi cho tốt. Bộ không giao nhiệm vụ cho các em phải giám sát trong các phòng thi, nhưng khi có điều kiện thì các em có thể giám sát. Cũng như người dân bên ngoài, người ta không có nghĩa vụ bắt buộc phải kiểm tra, phải giám sát, nhưng họ có quyền kiểm tra, giám sát.
Quy định mới đưa vào là để tạo điều kiện cho thí sinh làm việc đó. Sự giám sát này có ý nghĩa là “thêm tai thêm mắt” cho cơ quan quản lý, thêm niềm tin cho người dân đối với kỳ thi và cũng là điều kiện để nhắc nhở những người làm thi có ý thức trách nhiệm thường trực cao hơn, chứ hoàn toàn không đặt thêm nhiệm vụ cho thí sinh, hoặc gây áp lực cho các em cũng như các cán bộ coi thi.
Thời gian qua, Bộ cũng nhận được những phản ánh về những khó khăn của các địa phương đề xuất lên, ví dụ như làm thế nào nhận biết được thiết bị đó thu được thông tin trong phòng thi, mà không thu được thông tin từ bên ngoài, hoặc thu thông tin từ bên ngoài nhưng không phát được thông tin…. Việc này Bộ đã có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Đổi mới trong khâu chấm thi
PV: Năm nay, trong khâu chấm thi, Bộ cũng đưa ra một quy định mới, đó là mỗi hội đồng chấm thi sẽ có một tổ chấm kiểm tra ít nhất 5% số bài thi các môn tự luận, độc lập với các tổ chấm thi. Vì sao phải đưa thêm quy định này, khi mà quy trình chấm thi với “hai vòng chấm thi độc lập” đã khá chặt chẽ rồi, thưa thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Trong những kỳ thi trước, chúng ta đã có quy định việc chấm thi 2 vòng độc lập, quy định về chấm thanh tra (ít nhất 5% số bài thi môn tự luận). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thanh tra chấm lại bài thi đó có thể mang lại thông tin rất tốt cho khâu chấm thi, cho người điều hành hội đồng chấm thi, nhưng do phải tuân thủ đúng quy trình, nên thông tin thu nhận sau thanh tra khi phản ánh đến chủ tịch hội đồng chấm thi thường bị chậm, khiến cho việc xử lý rất khó và không hiệu quả.
Rút kinh nghiệm, năm nay, Bộ chủ trương thay việc thanh tra chấm bài thi bằng việc chấm kiểm tra trong chính hội đồng chấm thi đó. Với cách này, hy vọng, chủ tịch hội đồng chấm có thể nhận được thông tin từ những người chấm kiểm tra này một cách nhanh nhất để xử lý, điều hành, cũng như điều chỉnh kịp thời và linh hoạt những sai sót, những gì cần rút kinh nghiệm trong chấm thi.
Công tác thanh tra chấm thi năm nay vẫn được duy trì, nhưng chủ yếu thanh tra việc thực thi quy chế của cán bộ và hội đồng chấm thi. Bộ cũng sẽ mở rộng hơn diện chấm thẩm tra sau khi có kết quả thi.
Năm trước, trên cơ sở xem xét những thông tin và những dấu hiệu bất thường trong khâu coi thi, chấm thi, Bộ đã tổ chức chấm thẩm tra lại bài thi của một số  hội đồng của 16 tỉnh, thành phố. Năm nay, dự kiến số đó sẽ lớn hơn.
PV: Mối quan tâm lớn nhất của các thí sinh là đề thi. Năm nay Bộ chỉ đạo việc ra đề thi như thế nào? Thứ trưởng muốn nhắn gửi điều gì với các thí sinh chuẩn bị tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Ngành giáo dục đang trong quá trình đổi mới về kiểm tra, thi và đánh giá, trong đó có khâu ra đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tinh thần chung là đề thi phải bao quát được nội dung kiến thức kỹ năng theo yêu cầu của chương trình cấp THPT, trong đó tập trung chủ yếu vào lớp 12.
Mặt khác đề thi cũng phải đánh giá được năng lực vận dụng kiến thức của các em học sinh. Các em không chỉ nắm được kiến thức, mà quan trọng là phải biết vận dụng kiến thức đó vào trong thực tiễn. Với quan điểm đó, đề  thi sẽ tiếp tục được ra theo hướng mở, nhất là đối với các môn khoa học xã hội, để các em học sinh không phải nhớ kiến thức một cách máy móc, điều quan trọng hơn là các em sử dụng kiến thức đó như thế nào trong thực tiễn.
Việc đổi mới cách ra đề sẽ tạo cơ hội để các em phát triển năng lực của bản thân, được thể hiện, bày tỏ chính kiến của mình trước những vấn đề thực tiễn của địa phương, của đất nước. Định hướng chung là như vậy. Qua từng năm, chúng tôi tin là tư duy và năng lực của đội ngũ giáo viên nói chung, những người được giao nhiệm vụ ra đề thi nói riêng sẽ ngày càng tốt hơn.
Cũng nhân đây, chúng tôi muốn nói với các em thí sinh rằng, với cách cải tiến ra đề thi của Bộ GD&ĐT, các em không nên học tủ. Kỳ thi tốt nghiệp THPT là để đánh giá, kiểm tra chất lượng mặt bằng trong phạm vi cả nước, nên đề thi sẽ không quá khó. Nếu như em nào học lực trung bình, với sự cố gắng cần thiết, thì đã có thể đạt được kết quả tương đối tốt. Mong các thí sinh giữ gìn sức khỏe, bình tĩnh, tự tin  để làm bài thi tốt. Chúc các em thành công!
-----------------------------------------------  

Final Fantasy II

About Final Fantasy II

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :