Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

"Đấu giá" suất học trái tuyến: Tránh thất thoát số tiền lớn?

Để con được học trái tuyến ở trường tiểu học được coi là “điểm”, không ít phụ huynh sẵn sàng chấp nhận mọi chi phí, chấp nhận rủi ro để chạy trường. Để hạn chế tình trạng này, liệu có nên "đấu giá" các suất học trái tuyến thực tế vốn đang tồn tại?

Xung quanh chuyện chạy trường, có không ít phụ huynh còn "ủ mưu" từ cả năm trước. Để hiệu trưởng và các giáo viên biết mặt, phụ huynh tham gia đóng góp cho trường ngay trước ngày nộp hồ sơ. Dưới hình thức sổ vàng, đóng góp bằng vật chất cho trường, có phụ huynh còn đòi thay gạch cho sân trường khi chỉ mới nộp hồ sơ trái tuyến; Có phụ huynh tìm cách chạy hộ khẩu khi con mới 4 tuổi... 

Cho dù ở các đô thị lớn đang cấm và hạn chế mức tối đa việc học trái tuyến, song thực tế này vẫn đang diễn ra. Các phụ huynh đang phải chi một khoản tiền lớn, chạy hết cửa nọ cửa kia, thậm chí qua cò, để chạy trường cho con. Và thực tế là, số tiền khổng lồ đó đang chui vào túi một số cá nhân.


Trước hiện tượng này, có ý kiến cho rằng, phải chăng nên có hình thức "đấu giá" các suất trái tuyến nhất định, để phụ huynh có thể thực hiện được nguyện vọng của mình, số tiền thu được minh bạch hơn và góp phần vào việc học tập, giảng dạy của trường, lớp?
Nhiều phụ huynh lo lắng nếu xảy ra việc đấu giá suất học trái tuyến sẽ gây cảnh dẫm đạp mua hồ sơ đấu giá, tiềm ẩn nhiều phản cảm trong giáo dục
"Đúng là khi nghe đấu giá các suất học, tôi thấy hơi thương mại hóa vấn đề giáo dục. Song cho dù lo ngại thì nó vẫn đang diễn ra. Các trường vẫn dành một số suất nhất định cho trái tuyến. Các bậc phụ huynh vẫn bằng cách này hay cách khác chạy cho con vào trường trái tuyến. Vậy sao không hợp thức hóa các suất học này, bằng cách nào đó. "Đấu giá" minh bạch cũng là cách hay để có nguồn thu thêm cho trường" - Chị Thanh Bình (Vĩnh Tuy, Hà Nội) chia sẻ.

"Năm nay, chỉ riêng Hà Nội, tăng tới 11000 học sinh vào lớp 1; TP.HCM, số em vào lớp 1 nhiều hơn các em tốt nghiệp cấp I lên cấp II là 20.000 em. Điều này dự báo một năm học quá tải cho các trường ở đô thị lớn, mà các phụ huynh nhận định là có nhiều tiền muốn chạy trái tuyến cũng khó. Chính vì vậy, nó dự báo một năm khốc liệt cho việc chạy trường. Trong khi số tiền các phụ huynh kháo nhau để chạy trường toàn tính bằng nghìn đô. Thử xem, số tiền cho việc chạy trường trái tuyến sẽ khủng như thế nào. Hợp thức hóa nó là điều nên chứ sao không" - Anh Thành An (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) nhận định.
Tuy vậy, cũng có không ít phụ huynh phản đối giải pháp "đấu giá" các suất học trái tuyến. Chị Thanh (Hà Đông) nêu quan điểm: Nếu đưa ra giải pháp "đấu giá" thì ở mức giá nào phụ huynh mới chịu được “nhiệt”? Chẳng hạn mức giá độ vài chục triệu gia đình mình còn có thể lo được, chứ tới hàng trăm triệu, mức giá mà cao quá, đắt quá thì gia đình mình cũng chịu, đành cho con học ở trường làng, đúng tuyến còn hơn là bỏ một khoản tiền lớn lên tới cả trăm triệu…
Chị Thanh còn lo lắng, e rằng giải pháp đấu giá suất học trái tuyến sẽ khó khả thi bởi như vậy là “vô hình” công khai cho học trái tuyến, đi ngược lại chủ trương cấm học trái tuyến bấy lâu nay. Ngoài ra, nếu một trường học có khoảng 10 suất học trái tuyến đấu giá thì các suất học như vậy giá cao thấp khác nhau khi đấu giá, trong khi những học sinh vào trường đó cũng được đào tạo đồng hạng như nhau. Như thế sẽ không công bằng cho những phụ huynh tham gia đấu giá…
Gia đình chị Hằng ở Thanh Xuân, đang lo lắng cho con một suất ở trường tiểu học có tiếng. Chị Hằng cho rằng, nếu các trường tiểu học hay trung học cơ sở thực hiện việc đấu giá suất học trái tuyến, phụ huynh phải cân nhắc tài chính gia đình mới quyết định đấu giá cho con vào học trường nọ trường kia. Vì mỗi trường dựa vào danh tiếng, chất lượng giáo dục sẽ có mức đấu giá cao thấp khác nhau…

Chị Hằng còn lo lắng, nếu thực hiện như vậy có chút gì hơi phản cảm… Chưa kể, số tiền đấu giá được đó có ai đảm bảo sẽ không thất thoát trong quá trình chi tiêu?
"Trước đến nay, kể cả ở phương Tây tôi chưa nghe tới việc đấu giá cho con đi học cả. Ở VN lại đưa ra giải pháp như vậy e rằng gây tiềm thức không hay cho con em chúng ta. Lại gây tốn kém, lãng phí, phụ huynh lại dẫm đạp lên nhau mua hồ sơ đấu giá… Rồi đến các em học sinh nhỏ, trong nhận thức của chúng đi đâu, chạy gì cũng phải tiền…" - Chị Hằng nhận định.
Không đồng tình với giải pháp "đấu giá" suất học trái tuyến, anh Nguyên (Hà Đông, Hà Nội) đưa ra giải pháp tổ chức thi học trái tuyến: "Chẳng hạn, trường A có 50 suất học trái tuyến, nếu chúng ta tổ chức thi đầu vào thì đầu vào sẽ có chất lượng hơn tốt hơn, đỡ tốn kém hơn việc đấu giá.
Muốn "đấu giá" phải có nhiều ban, ngành tham gia, rồi đơn vị tổ chức lo lắng, chưa kể cò vây vòng trong ngoài, phụ huynh học sinh kéo đến đông nghịt, gây mệt mỏi cho giáo viên, phụ huynh… mà chưa chắc đã đấu giá xong trong 1 ngày? Nếu trường học nào cũng làm thế chẳng “loạn” ở khu vực trường đó ư?"
Với hình thức thi trái tuyến, anh Nguyên cho rằng, các em này có thể sẽ phải chịu mức thu học phí cao gấp 4 -5 lần, kiểu như bán công nhưng phụ huynh vẫn cảm thấy dễ chịu hơn là "đấu giá" một cục.
-----------------------------------------------  

Final Fantasy II

About Final Fantasy II

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :