Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Đề thi mở gợi những không gian mở

Ra đề theo hướng mở như ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, theo TS. Trịnh Hòa Bình, là kích hoạt tư duy sáng tạo, làm nảy nở tính tích cực trong tiếp cận các vấn đề, không chỉ trong lĩnh vực văn chương mà còn liên quan đến những vấn đề thời sự nóng hổi. Điều này làm cho người đi học và đi thi luôn luôn gắn bó hơn với đất nước, quê hương xứ sở và cộng đồng.



Tiến sỹ Trịnh Hòa Bình - 
Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội 
(Viện Xã hội học)

Bình luận về những đề thi được xem là mở và có nhiều ý kiến trái chiều khá thú vị ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa kết thúc, TS. Trịnh Hòa Bình nói:

- Nhiều người nói đề năm nay cũng không quá mới, nhưng việc kiên trì ra theo hướng mở rõ ràng phát huy được tính tích cực, năng lực tư duy sáng tạo, chủ động và đương nhiên sẽ tác động tích cực đến tình cảm thẩm mỹ, đạo đức của thí sinh. 

Bình luận của tôi không có gì hơn thế. Đề thi đã không trói buộc thí sinh vào khuôn mẫu xơ cứng, nhàm chán theo kiểu đối phó, thuộc lòng, chặt chẽ, lặp đi lặp lại… Những chuyện này thường làm cùn mòn óc sáng tạo. 

Cũng xin nhớ rằng, khi ra đề như vậy vẫn nằm trong khung chương trình chứ không phải thoát ly hoàn toàn. Và một khi khung chương trình chúng ta đảm bảo cung cấp, vun trồng và trang bị được cho người học đầy đủ hành trang kiến thức và kỹ năng cho học sinh, chắc chắn không nghi ngờ gì nữa, đó là đề thi có tính chất thú vị với xu hướng chung là kích hoạt được xu hướng đào tạo và thi cử theo hướng mới.

* Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển tại buổi họp báo chiều 4-6 bàn về cách chấm bài của đề mở khẳng định ra đề mở thì đáp án cũng mở. "Quan trọng là thí sinh lập luận chặt chẽ để đạt điểm cao. Vấn đề chuẩn mực đạo đức khác nhau song chúng ta không áp đặt cho bạn trẻ”. Lãnh đạo Bộ nói vậy, còn thầy cô không biết sẽ chấm bài theo đáp án chuẩn mực nào. TS có gợi mở gì để thầy cô khi chấm bài, "cầm cân nảy mực”, đảm bảo tôn trọng "không áp đặt”?

- Trước hết, tôi tán thành quan điểm của Thứ trưởng Vinh Hiển khi ông nói như vậy. Còn phần các thầy các cô, đặc biệt những người đi chấm thi, họ phải là người chia sẻ quan điểm của người đứng đầu Bộ. Có những nguyên tắc không thể vượt qua. Đó là quan điểm và suy nghĩ lệch lạc hay tiêu cực với đề thi, mà trình bày quan điểm lệch lạc, thì sẽ không được điểm. Một nguyên tắc nữa, thí sinh chí ít cũng phải biết làm bài nghị luận xã hội, làm sao kết cấu diễn đạt luận điểm rõ ràng, dẫu bài làm chỉ 400 từ thôi nhưng vẫn phải có dẫn chứng hợp lí. Cái cần thiết tối thiểu là không mắc lỗi chính tả, văn phong trong sáng, từ ngữ chuẩn xác.

Tôi cũng chia sẻ quan điểm lãnh đạo Bộ là phải chấm theo phương án mở, không áp đặt chuẩn mực đạo đức khác nhau… Có thể xem chung như một khung: Người chấm đòi hỏi người làm phải bám sát yêu cầu của đề bài, phải có hình thức giới thiệu về nhân vật trong câu chuyện Nguyễn Văn Nam. Phải phân tích được, nêu được sự cảm phục về tấm gương đó, thể hiện lòng nhân ái, khẳng định đấy là nhân cách, đạo đức đặc biệt… Hành động dũng cảm đó chỉ có được qua rèn luyện, qua tu dưỡng, qua giáo dục mà có. Và đương nhiên, cái này cũng đến từ truyền thống gia đình, quê hương… 

Rồi cũng phải có được bình luận đấy là nghĩa cử cao đẹp quên mình, phải cắt nghĩa được tấm gương đó có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi mà xã hội - mọi người vẫn đang nói, có đầy rẫy những hành vi vô cảm…

Mỗi người chấm có thể có cách tiếp cận riêng. Nhưng tôi nghĩ cần đánh giá cao người làm có kiến giải riêng, hợp lí, có tính logic. Và cũng cần phải khích lệ những thí sinh trình bày không hoàn toàn toàn bích, đầy đủ, nhưng có lập luận rõ ràng, vững chắc và biết cách đi sâu triển khai tốt về khía cạnh nào đấy, vẫn có thể cho điểm tối đa.

Nên lưu ý, áp đặt hay không trong quan điểm chấm tùy thuộc vào người chấm thi, nhưng vấn đề là cần quán triệt cho được quan điểm chỉ đạo về chấm bài đề thi mở, thì mới có thể "cởi trói” cho người thi.

* Đề thi môn ngữ văn "Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ về hành động dũng cảm cứu người của Nguyễn Văn Nam - học sinh lớp 12 ở Nghệ An đã nhảy xuống sông lần lượt cứu được ba học sinh lớp 9 và một học sinh lớp 6. Khi đẩy được em thứ 5 vào bờ thì Nam đã kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi...”, đã tạo những hiệu ứng không giống nhau trong cách nghĩ. TS nghĩ sao về điều này? 

-  Tôi cho rằng sự "không giống nhau” là rất hay. Sẽ nhiều người nói: Nếu không được trang bị tốt kỹ năng thì đừng dại dột làm việc này việc kia. Nhưng tôi nghĩ rằng: Kỹ năng rất cần thiết, nhưng nên nhớ rằng, kỹ năng có thể làm công việc hiệu quả hơn, làm bản thân mình hay những người cùng đi với mình an toàn hơn trong tình huống nhất định nào đấy, nhưng kỹ năng sẽ đến sau khi có nhận thức.

Nếu như có nhận thức đúng đắn, có thái độ, hành vi quên mình nghĩa hiệp, tôi nghĩ điều đó rất đáng quí. Và không phải vì như thế, chúng ta sẽ có cản trở, có lời khuyên rằng, trong bất cứ tình huống nào, mỗi con người cụ thể trong xã hội chúng ta, kể cả các em phải tính toán xem, mình có làm được hay không. Có những sự việc chỉ trong thời khắc không được phép tính toán, và những ý nghĩa quyết liệt quyết định chỉ đến trong một tích tắc thôi. Và nếu như thường xuyên tâm niệm về việc làm những điều tốt, nghĩa hiệp, nghĩa cử thì những điều đó ăn vào trong máu rồi. Cho nên chúng ta không thể đòi hỏi gì hơn rằng, em Nguyễn Văn Nam hay bất cứ em nào khác – những anh chị nào sau đây phải tính toán lại, xem mình có đủ sức cứu được bạn mà vẫn an toàn hay không.



Thí sinh bất ngờ với đề văn về
 anh hùng trẻ tuổi Nguyễn Văn Nam

* Thưa TS, hướng tới một nền giáo dục mở, đó là điều chúng ta đang thực hiện. Đề thi tốt nghiệp văn và địa năm nay phần nào đã cho thấy. Song thực tế cách dạy và học của cả thầy lẫn trò hiện vẫn khá "đóng”, lệ thuộc lối giảng đọc chép, văn mẫu. Kiểu tư duy thụ động, áp đặt đó không khuyến khích các ý tưởng sáng tạo, chưa nói đến ý thức phản biện của học sinh rất hiếm hoi. TS có cho rằng, nếu còn duy trì phương pháp dạy và học như vậy thì đề thi mở sẽ chẳng giải quyết được gốc rễ vấn đề. Muốn hướng đến một nền giáo dục mở thật sự trong môn văn, học sinh cần được sống trong tác phẩm thực sự, thầy và trò phải có không gian mở?

- Đúng như vậy. Nhưng ít nhất việc ra đề như thế này cũng là những đột phá để chúng ta thay đổi quan điểm trong toàn bộ quá trình đào tạo, từ triết lí giáo dục đến quan điểm giáo dục. 

* Lại có ý kiến cho rằng, năm nào trước kỳ thi tốt nghiệp, lãnh đạo Bộ cũng khẳng đị­­­nh đề thi nằm trong chương trình, không đánh đố, lắt léo… Song câu chuyện cảm động về em Nam trong đề văn lấy nguồn từ báo chí, hay câu  "Ý nghĩa của việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề biển đảo” trong đề địa không có trong chương trình, sách giáo khoa, dù vẫn được các thí sinh hào hứng, được xã hội đánh giá cao… Vậy theo TS, Bộ có nên lặp đi lặp lại tuyên ngôn đề tốt nghiệp sẽ bám sát chương trình sách giáo khoa không, nếu thực tế Bộ tiếp tục ra đề theo hướng mở?

- Đây là một vấn đề rất lí thú, liên quan đến việc đánh giá, kể cả khung cảnh của những việc tuyên ngôn của giới chức có trách nhiệm. Tôi cho rằng, bản thân tuyên bố đó không mâu thuẫn với việc ra đề theo hướng mở. Bởi vì tôi dám chắc, với đề thi địa lý, khi hỏi về ý tăng cường hợp tác giữa VN với các nước trong khu vực thì cũng lấy nguồn ở trong phần lí thuyết của sách giáo khoa chứ không phải quá xa lạ. Thứ nữa, không cứ trong giáo dục của nhà trường mà trong suối nguồn của truyền thông chúng ta, trong câu chuyện thường ngày với những sự kiện rất là bức xúc, thu hút sự quan tâm của đông đảo mọi người như vậy, thì không ít thì nhiều, các thí sinh của chúng ta cũng như người lớn – cha anh, bác mẹ của họ đều ít nhiều biết đến. Và như vậy, đề ra không mâu thuẫn với tuyên bố của Bộ.

Xã hội thế nào, giáo dục thế nấy. Cho nên khi những sáng tạo, cởi mở, những dấu hiệu, những luồng gió mới trong lĩnh vực giáo dục như thế này thì ai đó, kể cả chúng tôi và các bạn, cũng đều mong muốn có những nguồn cảm hứng khai phá, cổ vũ tinh thần dám nghĩ dám làm như vậy diễn ra trong mọi mặt, trên mọi lĩnh vực của cuộc sống hiện nay.
-----------------------------------------------  

Final Fantasy II

About Final Fantasy II

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :