Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Âm nhạc dân tộc đang "bơ vơ" trong cơ chế thị trường !

Chưa bao giờ như hiện nay, âm nhạc dân tộc nước ta lại bịtác động ghê gớm bởi cơ chế thị trường, bởi nghệ thuật thương mại và bởi các luồng văn hóa khác lạ, ngoại lai đến như vậy. Đã đến lúc chúng ta cần chung tay bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc.

Đó là những ý kiến tâm huyết được đưa ra từ các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhạc sĩ tại hội thảo khoa học “Âm nhạc dân tộc với cuộc sống hôm nay”, do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc (TT NCBT&PHANDT) và Nhạc viện TP.HCM tổ chức mới đây. 
Mất vị trí trong thị hiếu thưởng thức của lớp trẻ
Theo nhạc sĩ, nghệ nhân hát Xẩm Mai Tuyết Hoa, Giám đốc TT NCBT&PHANDT, âm nhạc dân tộc đang bị mờ dần bản sắc và thưa vắng người nghe, người xem. Phần lớn giới trẻ không hiểu hết giá trị của âm nhạc truyền thống, hướng vào âm nhạc thương mại khiến cho đời sống âm nhạc dân tộc hết sức khó khăn.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên nhận định, trước những diễn biến của tình hình tư tưởng văn hóa, âm nhạc truyền thống hiện nay đan xen những phức tạp, đứng trước nguy cơ bị mai một. Trong đó, nguyên nhân chính là do sự tiếp thu âm nhạc với nhiều dạng, nhiều luồng khác nhau, cả trong và ngoài nước.
“So với dòng nhạc nhẹ, dòng âm nhạc truyền thống trở nên lạc lõng và “bơ vơ” trước cơ chế thị trường. Hiện tại, TP.HCM có Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, một đại diện chính cho dòng nhạc truyền thống, rồi dàn nhạc dân tộc của Nhạc viện TP và một số câu lạc bộ âm nhạc truyền thống tại các nhà văn hóa… đều hoạt động cầm chừng, như những mảnh đất bị bỏ quên. Đối với các nhà đầu tư theo mô hình “xã hội hóa” thì đây không phải là đối tượng “hái” ra tiền một cách nhanh chóng, còn đối với Nhà nước thì chưa có sự đầu tư tương xứng để kích thích phát triển”, TS Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TP.HCM trăn trở.
Cùng suy nghĩ này, nhạc sĩ Trần Tấn Ngô thẳng thắn: “Tôi cho rằng âm nhạc dân tộc đang mất vị trí trong thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của giới trẻ ngày nay là do những bộ phận chuyên môn có trách nhiệm còn thờ ơ, do chúng ta tuyên truyền và đầu tư chưa đến nơi đến chốn, vì thế một bộ phận không nhỏ những nghệ sĩ của những bộ môn này chạnh lòng, cảm thấy mình bị bỏ quên nên tìm môi trường khác mà sinh sống”.
Đang có một xu hướng cách tân làm mờ bản sắc
GS Hoàng Chương, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, nhận định: “Các loại hình âm nhạc đặc sắc như nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ, ca trù, hát xoan đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng hiện vẫn sống lay lắt vì ít người xem, hoặc muốn có người xem thì phải “sân khấu hóa” như quan họ đang làm, tức là hát có micro và có âm nhạc đệm, thậm chí cả đàn organ hiện đại. Như vậy, nghĩa là đã phá vỡ luật lệ, quy tắc của ca hát quan họ cổ truyền và vi phạm tiêu chí quy định của UNESCO”.
Theo GS Hoàng Chương, hiện đang có một xu hướng muốn cách tân, cải tiến âm nhạc dân tộc nhưng do làm không đúng cách nên gây hiệu quả ngược. Chẳng hạn, chuyện hơn mười nghệ sĩ quan họ được mời đến Bình Định hát mừng giỗ lần thứ 220 của Hoàng đế Quang Trung, nhưng các nghệ sĩ này đều hát nhép theo đĩa, lồ lộ ai cũng thấy và khi diễn lớp “Bà Chúa thượng ngàn” thì họ hát đồng ca và múa… lửa. Có một thực tế rất buồn là có những nghệ sĩ vì miếng cơm manh áo mà phải chạy theo thị hiếu của một bộ phận khán giả đã làm biến dạng loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, vì thế làm cho nghệ thuật dân tộc bị mất thẩm mỹ và không còn ý nghĩa như nguyên bản. Ông kể có lần khi đưa đoàn nghệ thuật dân tộc sang London biểu diễn, người tổ chức phát hiện đàn bầu có gắn ampli thì họ kiên quyết đề nghị bỏ ra vì họ muốn nghe âm thanh thật của cây đàn độc nhất vô nhị của Việt Nam…
Biểu diễn dân ca Nam Trung Bộ tại hội thảo
Biểu diễn dân ca Nam Trung Bộ tại hội thảo
Nói như vậy để thấy, có những chuyện cải tiến một cách tùy tiện, sai nguyên tắc đã làm mờ bản sắc các loại hình âm nhạc dân tộc.
Cần tạo ra môi trường diễn xướng cho âm nhạc dân tộc
Là một nhà nghiên cứu sâu về âm nhạc dân tộc, theo GS Trần Văn Khê thìtrong thời đại giao lưu, hội nhập hiện nay, người nước ngoài sang nước ta xem chúng ta đang ăn thế nào, mặc thế nào, giải trí như thế nào và nghệ thuật truyền thống của chúng ta có những cái gì? Vậy chúng ta có gì để khoe với họ? Chúng ta đang có âm nhạc truyền thống dân gian gắn liền với đời sống con người, từ lúc sơ sinh cho đến khi trở về cát bụi, hà cớ gì chúng ta lại để bị mai một, lãng quên? Cho nên, phải nhanh chóng bảo tồn và bảo vệ tích cực âm nhạc dân tộc, tôn trọng nghệ nhân, bởi nghệ nhân là nhân chứng tiêu biểu cho những di sản của dân tộc, nếu họ sống được với nghề thì những di sản này mới phát huy được. GS cho rằng, giải pháp dễ thấy và hiệu quả nhất là đưa âm nhạc vào trường học. Khi các em học sinh biết rằng âm nhạc dân tộc có cái gì, hay ở chỗ nào thì các em mới thương, thương rồi mới học, học xong đi biểu diễn. Khi âm nhạc dân tộc có biểu diễn, có người thưởng thức thì tự nhiên sẽ có sức sống trở lại, nếu không thì nhanh chóng bị lãng quên.
Theo Thứ trưởng Vương Duy Biên, để âm nhạc dân tộc được bảo tồn và phát huy, cần tạo ra môi trường diễn xướng. Cho nên, việc hướng dẫn giáo dục thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc là nhiệm vụ cấp bách, đồng thời đào tạo thế hệ trẻ biết yêu, biết đàn hát dân ca là vô cùng cần thiết.
-----------------------------------------------

Final Fantasy II

About Final Fantasy II

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :