Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Ca sĩ Hồ Trung Dũng: Âm nhạc cần công chúng bỏ tiền mua

“Với nhạc miễn phí thì khán giả thường thấy sản phẩm mới sẽ tải về nghe mà không cần kiểm chứng, nhưng nếu buộc họ phải mua thì họ sẽ nghe trước, có hay họ mới tải về. Đó là cách để các ca sĩ còn cẩu thả với nghề nghiệp sợ và thị trường âm nhạc VN mới phát triển được” - ca sĩ Hồ Trung Dũng trao đổi với PV Báo Giao thông.
 
Nghe có ý thức 

Vấn đề “Nghe có ý thức” đang được các nhạc sĩ quan tâm, tạo ra một cuộc tranh luận nảy lửa giữa cộng đồng mạng và các nhà chuyên môn. Là một ca sĩ, anh có thể cho biết ý kiến về vấn đề này?

Thực ra vấn đề này đã được nói đến từ rất lâu rồi nhưng bởi nó chưa bao giờ được giải quyết triệt để thành ra cứ khi nào ai đó bị mắc vào sự vụ tương tự mới lại làm rùm beng lên. Bản thân Dũng không đồng tình với việc nghe “chùa” bởi bên cạnh việc lời lãi của một sản phẩm mình dày công đầu tư thì nó còn liên quan tới ý thức cộng đồng và tư cách của một công dân.

Không ai muốn mình đi làm mà không được trả công hoặc bị chủ bớt xén bằng cách này hay cách khác. Người nghệ sĩ cũng vậy, cả năm chạy show, gom góp để làm ra một sản phẩm. Ngoài trách nhiệm và nghĩa vụ với nghề thì sản phẩm âm nhạc còn là  “đứa con tinh thần” và là một khoản đầu tư, không ai muốn sản phẩm mình kỳ công làm ra bị “ăn cắp”.
 
Nhiều khán giả cho rằng việc in sao hay copy các sản phẩm âm nhạc là một trong những cách… quảng bá cho nhà sản xuất và ca sĩ...?

Điều này không phải là sai. Những nhạc sĩ hay nhà sản xuất và ca sĩ chân chính sẽ phản bác và cảm thấy kiểu “đối đáp” trên là xúc phạm họ nhưng trên thực tế có những ca sĩ làng nhàng, không muốn dày công đầu tư vào nghề nghiệp đã sẵn sàng “tung” ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng. Thậm chí họ sẵn sàng “dúi tay” để các trang mạng về âm nhạc đưa sản phẩm của họ lên miễn phí nhằm lăng xê tên tuổi. Bởi vì hậu trường của việc sản xuất băng đĩa rất phức tạp. Có thể chỉ mấy triệu đồng đã có một album nhưng có những album mấy chục triệu, thậm chí những album được đầu tư hàng mấy trăm triệu hoặc đến hàng tỷ đồng.  

Bỏ tiền ra mua thì mới kén chọn 

Một số ca sĩ cho rằng: việc “chạy show điên đảo” trong nước chỉ đủ cho việc tái đầu tư: Đặt bài sáng tác độc quyền, biên tập, trả tiền bản quyền và làm album. Còn muốn mua nhà, mua xe thì phải nhờ vào những chuyến biểu diễn xuất ngoại, có đúng thế không, ít nhất là với cá nhân anh?

Dũng không phải là ca sĩ thường chạy show nước ngoài nhưng đúng là nếu có show ở hải ngoại thì catse sẽ cao hơn nhưng cũng không dễ dàng và hải ngoại cũng không phải là một thị trường dày đặc show diễn như chúng ta tưởng tượng. Chính vì vậy mà Dũng đã từ chối một số lời mời bởi mất nhiều thời gian lưu diễn mà chỉ diễn được vào cuối tuần; thị trường trong nước vẫn là ổn định nhất. Tuy nhiên, số tiền Dũng kiếm được không nhỏ mà vẫn chưa giàu được (cười tươi). 

Ngoài chi phí cần thiết để làm nghề và phục vụ đời sống thì việc tái đầu tư cho những sản phẩm âm nhạc là cần thiết. Thứ nhất là để khán giả nhớ đến mình và thứ hai như Dũng đã nói: Nó là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Sản phẩm ban đầu thường đầu tư chỉ mấy chục triệu tới một trăm triệu nhưng sản phẩm sau ắt hẳn phải là mấy trăm triệu. Nó là cái “máu” làm nghề chứ với việc in sao băng đĩa lậu và nghe “không ý thức”, sao chép, “ăn cắp” sản phẩm đưa lên mạng để khán giả nghe miễn phí thì xem như mình thua lỗ đành động viên: Đầu tư cho nghề nghiệp của mình vậy.

Anh có đề xuất gì cho việc hạn chế in sao tác phẩm?

Có một dạo Dũng thấy 5 trang mạng lớn cung cấp âm nhạc đã làm một cuộc “tổng tấn công” vào thị trường và quyết bài trừ việc nghe không ý thức nhưng sau đấy dường như lại bị “chìm xuồng”. Muốn dứt điểm việc này thì bên cạnh việc kêu gọi ý thức tự giác của công chúng, mỗi ca sĩ cũng phải có sự vận động tới fan hâm mộ. Các trang làm về âm nhạc cũng phải có động thái tích cực và đặc biệt là các nhà quản lý phải cùng  quyết liệt vào cuộc. Nếu một đợt chưa xong thì làm nhiều đợt và thường xuyên, chỉ có như vậy mới mong âm nhạc Việt Nam phát triển. 

Chỉ khi nào phải bỏ tiền ra mua một món hàng chúng ta mới kén chọn và buộc những người “bán hàng” là những nghệ sĩ làm nghề phải cống hiến những sản phẩm chất lượng ra thị trường.
-----------------------------------------------

Final Fantasy II

About Final Fantasy II

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :